Tình thầy ngoài bục giảng
Không chỉ ở trên bục giảng hay trong những bài học về kiến thức, tấm lòng người thầy đối với học trò xuất hiện nhiều trong cuộc sống hàng ngày không phải lúc nào cũng được mọi người biết đến.
Cô giáo chia lương cho học trò
Không có bố, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, con đường đến trường của em Phương Linh, hiện là học sinh (HS) Trường THPT Lương Thế Vinh, TPHCM gặp không ít trở ngại. Năm Linh học lớp 7, bệnh ung thư của người mẹ trở nặng, phải vào viện điều trị thường xuyên, mẹ con Linh rơi vào cảnh cùng cực.
Tình thầy ngoài bục giảng
Mẹ đau ốm, mất sức lao động, nhiều năm liền khi học cấp 2, em Phương Linh đến trường bằng đồng lương của cô hiệu phó.
Biết được hoàn cảnh của Linh, cô hiệu phó đã giúp em đóng mọi khoản tiền trong nhà trường như tiền quỹ, học phí, tiền bán trú... cho đến tận ngày em học hết lớp 9. Cô học trò kể, nhiều lần đến đợt đóng tiền, cô hiệu phó túng còn ứng trước lương để đóng kịp đóng tiền cho mình.
Không nhiều người biết sự giúp đỡ âm thầm của cô đối với Linh. Mỗi khi mẹ con Linh cảm ơn cô, cô cười hồn hậu nói rằng chỉ mong Linh học thật tốt, không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. “Tấm lòng của cô là động lực rất lớn để em không ngừng cố gắng”, em Linh chia sẻ.
Tại một trường tiểu học ở Q.4, TPHCM, tấm lòng của một cô giáo mà biết đến, nhiều người phải nghẹn ngào. Trong lớp cô có một học trò gia đình hoàn cảnh khó khăn đến mức em thường xuyên nhịn ăn đến trường và nhiều lần em xỉu vì đói. Nhưng rồi em vẫn đến trường, học rất giỏi chứ không phải bỏ dở học hành.
Cho đến khi em ra trường, ngày quay lại thăm trường cũ, em mới chia sẻ trong những hai năm cuối bậc tiểu học, ngày nào cô giáo chủ nhiệm cũ năm em học lớp 1 cũng chuẩn bị cho em một hộp đồ ăn. Hộp đồ ăn của cô với cậu học trò ngày ấy không chỉ giúp em vượt qua cái đói mà hơn hết cô cho trao cho em tình yêu thương, cùng một động lực để tiến lên phía trước.
Chia nỗi đau với học trò
Câu chuyện về một cô giáo dạy Văn ở Q. Phú Nhuận, TPHCM - được một chuyên gia tâm lý kể lại. Cô gọi điện đến tổng đài tư vấn “cầu cứu” về tình cảnh học trò mình bị bố mẹ chửi bởi, đánh đập thường xuyên. Cô biết chuyện nhờ một lần vô tình nhìn thấy những vết thâm tím trên người em. Sau rất nhiều lần rủ học trò đi uống nước, gợi mở, em mới chịu chia sẻ với cô.
Trước khi gọi điện đến trung tâm tư vấn, giáo viên này đã nghĩ ra rất nhiều phương án giúp học sinh như đến nói chuyện với phụ huynh, thậm chí tố cáo họ nhưng cô chùng lại, cân nhắc rất nhiều. Cô lo rằng nếu mình làm như vậy, học trò sẽ chịu đòn khủng khiếp hơn. Trong khi chưa tìm được cách giải quyết, sáng nào cô cũng đến trường sớm hơn cả tiếng, hẹn em học trò đi ăn sáng, lắng nghe những tâm tư, buồn bã của em. Lâu lâu, cô mua tặng em món quà nhỏ, không phải để an ủi mà muốn trao đến em thông điệp: cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp.
Sau khi gọi điện đến trung tâm, chưa an lòng, cô còn hẹn gặp trực tiếp chuyên gia nghe tư vấn để giúp học sinh của mình và luôn lo lắng, trăn trở chưa biết điều mình làm có giúp được học trò hay không. Một việc đến các chuyên gia tâm lý ở trung tâm nọ cũng cảm phục vì ngay phụ huynh cũng không nhiều người làm được điều này dành cho con mình. Nhất là khi việc đó của người giáo viên sẽ không có một bằng khen nào ghi nhận.
Những câu chuyện vô tình cóp nhặt kể trên chỉ là số ít trong vô vàn những việc mà những người thầy âm thầm dành cho học trò xuất phát từ tấm lòng mình. Nào được ai biết đến. Những điều họ làm không để đổi lại một danh hiệu hay một lời tuyên dương nào. Món quà lớn nhất của họ chính là niềm tin từ học trò.
Và trong thâm tâm, chắc chắn những người thầy luôn mong xã hội có cái nhìn và đánh giá công tâm về nghề giáo - một nghề cao quý.